Viễn khách

 

Giới thiệu kịch thơ Viễn Khách

của

Hoa Thu Lê Huyền Linh

 

 

Khi viết về Hoàng Cầm trong chương trình Nhân Văn Giai Phẩm, tháng 3/2010, chúng tôi phạm một lầm lỗi là đã đặt nghi vấn về kịch thơ Viễn Khách: Hoa Thu, tác giả Viễn Khách, có phải là Hoàng Cầm không?

Cuối tháng 3/2011 chúng tôi nhận được lá thư đầu tiên của bà Đặng Thị Đức Hoan, đề ngày 22/3/2011 gửi từ Seattle, Hoa Kỳ. Bà cho biết đã đọc những dòng chúng tôi viết về Viễn Khách và minh định bà chính là Hoa Thu và nói rõ hoàn cảnh ra đời của Viễn Khách và tác giả Lê Huyền Linh.

Liên tiếp sau đó, từ tháng 3 đến tháng 7/2011, bà gửi cho chúng tôi rất nhiều tư liệu, chủ yếu có tác phẩm Viễn Khách, gồm bản kịch thơ và những bài thơ tản mạn của Lê Huyền Linh, đã được đạo diễn Phan Tại phụ trách việc in ở Hà Nội năm 1997 (ấn phẩm có rất nhiều lỗi, nhưng bà đã sửa lại) cùng những thư từ, hình ảnh, tiểu sử tác giả do chính bà viết, và các tài liệu liên quan đến sự nghiệp văn chương của Lê Huyền Linh và mối tình giữa bà và tác giả Viễn Khách, đặc biệt "Bài viết cuối đời của Hoa Thu về kịch thơ Viễn Khách".

Lê Huyền Linh tên thật là Lê Đình Thưởng, làm thơ viết văn từ thời tiền chiến. Hoa Thu là bút hiệu của Đặng Thị Đức Hoan do Lê Huyền Linh đặt, cũng là tên ghép hai đầu chữ Hoan và Thưởng. Tên Hoa Thu được Lê Huyền Linh sử dụng một lần, ký dưới vở kịch thơ Viễn Khách. Sau 1945, ông dùng bút hiệu Mạc Mạc.

Viễn Khách là trường hợp tác phẩm và cuộc đời hội ngộ trong chia ly: mối tình ngang trái giữa quận chúa Hồ Thiên Hương, con gái Hồ Nguyên Trừng, cháu nội Hồ Quý Ly và người Viễn Khách (Thế Tử, ông hoàng cuối cùng của nhà Trần, con trai Trần Thiêm Bình), trong cuộc nội chiến tương tàn giữa nhà Hồ và nhà Trần, khi quân Minh đã tiến gần đến Tây Đô.

Lê Huyền Linh bắt đầu viết Viễn Khách từ năm 1943.

1947, Lê Đình Thưởng cứu Đặng Thị Đức Hoan, người thiếu nữ chiến sĩ cách mạng tài sắc bị Pháp bắt, bị tù, một tình yêu mãnh liệt gắn bó hai người trong suốt cuộc đời còn lại.

Và 1947, Huyền Linh gặp Hoa Thu, Viễn Khách trở thành tác phẩm "chung" ký bút hiệu Hoa Thu, như một món quà của tình yêu, như sự xướng họa của hai tâm hồn đồng điệu về những mối tình chưa yêu đã biết là ngang trái, đớn đau, tuyệt vọng.

Năm 1948, Hoa Thu đem Viễn Khách vào thành, trao cho Vũ Bằng, và Vũ Bằng đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy năm 1949.

Rồi Hoa Thu và Lê Huyền Linh thất lạc nhau. Chiến tranh chia lìa họ. Vĩnh viễn.

Đầu năm 1951, Hoa Thu đem Viễn Khách trao cho Phan Tại, đạo diễn Hoa Quỳnh kịch xã. Phan Tại dựng Viễn Khách tại nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 7 và 8/2/1951 (mồng 2 và 3 Tết Tân Mão), và ngày 21 và 22/2/1951, tại nhà Hát Lớn Hải Phòng, với các diễn viên: Mộng Lan (Hồ Thiên Hương), Diễm Lan (Tiểu Hoa), Văn Phú (Viễn Khách), Hoàng Thư (Lão Tướng), Vũ Khắc Khoan (Lão Sương Đầu), Phan Tại (Tráng sĩ I và II), Kỳ Anh (Tửu Bảo) và Đạo diễn: Phan Tại và Việt Hồng.

Hơn 40 năm sau, 1992, Hoa Thu và Lê Huyền Linh hẹn gặp lại nhau ở Hà Nội, nhưng Lê Huyền Linh đột ngột từ trần tại Lạng Sơn ngày 11/2/1992, Hoa Thu về chậm ít ngày.

Hoa Thu hết sức vận động và tìm kiếm mới biết kịch tác gia Phan Tại còn giữ một bản Viễn Khách trên tủ sách nhà ông, bà nhờ Phan Tại đứng ra lo việc in Viễn Khách, năm 1997.

Tuy Hoa Thu không phải là tác giả Viễn Khách nhưng bà đã đóng góp tâm linh, chữ nghiã và tình yêu cho tác phẩm. Vở kịch thơ vì thế xứng đáng với tên Hoa Thu Lê Huyền Linh, như một kết hợp tình yêu và nghệ thuật, bởi Đặng Thị Đức Hoan không chỉ là nàng thơ, là người tình, mà còn là người của văn chương chữ nghiã.

Để đính chính những sai lầm cũ, và để giới thiệu với độc giả ngày nay một vở kịch thơ giá trị, đã trở thành cổ điển, và nhất là để đáp lại tấm lòng Hoa Thu Đặng Thị Đức Hoan với tình yêu và nghệ thuật, chúng tôi xin đưa tác phẩm Viễn Khách lên mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, bản đã được Hoa Thu sửa lại, cùng với hai bài viết của Hoa Thu Đặng Thị Đức Hoan: Tiểu sử tác giảBài viết cuối đời của Hoa Thu về kịch thơ Viễn Khách, để độc giả thấy được toàn diện con người nhà thơ Lê Huyền Linh và sự cố gắng phi thường của Hoa Thu trong việc tìm kiếm, sao lục các tác phẩm của người yêu và cho in trở lại.

Thụy Khuê

Paris 25/9/2011

*

Tiểu sử tác giả

 

Tác giả kịch thơ Viễn Khách tên thật là Lê Đình Thưởng, bút danh hồi tiền chiến là Lê Huyền Linh, viết kịch thơ Viễn Khách lấy tên Hoa Thu (tên này chỉ dùng độc nhất cho vở kịch). Sau cách mạng, ký hiệu Mạc Mạc (một phần do nguồn gốc chính từ họ Mạc). Ông không bao giờ ký tên thật trong văn chương.

Tác giả sinh năm 1917 tại Bắc Giang, mất năm 1992 tại Lạng Sơn. Từ thiếu thời, ông đã sáng tác văn, thơ... hồi 1936-1937 tham gia "Hội Tao Đàn Phủ Lạng Thương" tức nhóm Tinh Hoa hay là "Phòng khách thính Sông Thương" ở Bắc Giang (Hội này sau bị nhà chức trách thời Pháp thuộc đóng cửa.)

Ngoài kịch thơ Viễn Khách hay Bài Thơ Làm Trong Tửu Quán in trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy  năm 1949 với bút hiệu Hoa Thu, ông còn nhiều thơ văn đăng trên báo chí thời tiền chiến ký tên Lê Huyền Linh, một số còn được lưu trữ trong các thư viện thế giới, đa số bản thảo bị thất lạc trong chiến tranh như bốn tập thơ dầy có tên Ngã Ba Đường, Tri Âm, Bốn Mùa Mưa Gió.  Quê Hương và nhiều truyện ngắn mang gửi người bạn, bỏ trong một kiện lớn cùng tài sản gia đình chôn giấu, sau đào lên tất cả bị mối xông nát thành bùn đất. Nhiều bản thảo khác để lại nhà ở Hà Nội, tiêu thổ kháng chiến, cũng tiêu ma...

Duy bản kịch thơ Viễn Khách viết dở dang, ông mang theo trong người, nên không chịu chung số phận bị "thất tung".

Sau này ông đã dịch nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết nước ngoài, in rải rác... bạn bè còn nhớ được như:

Bức Họa Maja Khoả Thân của Samuel Edward, nxb Tp Hồ Chí Minh và sở Văn Hoá Thông Tin Nghiã Bình in lần đầu tháng 8/1985 (tái bản mấy lần).

Tuyết Trên Đỉnh KilimanjaroHạnh Phúc Ngắn Ngủi Của Francis Macomber của Ernest Hemingway (tái bản 2 lần).

Ánh trăng của Guy de Maupassant (nxb Lâm Đồng)

Quả táo đỏ của Aimatốp (nxb Phụ Nữ)

Bức thư viết dở của Lindin

Carmen của Prosper Mérimée

Và rất nhiều tuyển truyện của những nhà văn thuộc các nước Cộng Hoà Liên Xô cũ, v.v...

Vì hoàn cảnh không thể viết tự do, nên ông chỉ dịch từ Pháp văn và ký tên Mạc Mạc.

Bút hiệu Mạc Mạc, phần chính lấy từ câu trong sách Lễ Ký:

Mạc hiện hồ ẩn

Mạc hiển hồ vi

Cố quân tử thận kỳ độc giã

Ngụ ý nhắc nhở mình nên cẩn thận khi cầm bút viết:

Chớ bảo chỗ kín không ai thấy

Chớ bảo chỗ nhỏ nhen không ai biết

Cho nên nguời quân tử phải cẩn thận ngay trong lúc ở một mình.

Hoa Thu Đặng Thị Đức Hoan

 

*

 

Bài viết cuối đời của Hoa Thu về kịch thơ Viễn Khách

 

Tôi, Hoa Thu Đặng thị Đức Hoan, năm nay bước sang tuổi 87 âm lịch. Ngày ra đi vĩnh viễn đã gần kề. Tế bào óc có lẽ tàn lụi dần nên nhớ quên không chừng. Nhưng chuyện minh xác  bút danh tác giả Viễn Khách vẫn canh cánh bên lòng.

 Tôi có một hối tiếc là năm 1948 đã mang bản thảo Viễn Khách vào Hà Nội, đưa gửi một thân quyến là nhà văn Vũ Bằng, để rồi sau đó lại trở ra hậu phương. Trong thời gian tôi vắng mặt, ở Hà Nội ông Vũ Bằng đã tự ý đăng vở kịch vào Tiểu Thuyết Thứ Bẩy năm 1949. Khi tôi biết thì sự đã rồi. Tuy nhiên sau này nghĩ lại tôi cũng cám ơn ông đã cho đăng lên báo, do đó vở kịch đã tồn tại, có cơ hội được ra mắt người đọc và sau này, năm 1951 được trình diễn tại các nhà Hát Lớn Hà Nội và Hải Phòng.

Vở kịch thơ Viễn Khách do Lê Huyền Linh (Lê Đình Thưởng) viết năm 1943, nhưng coi như hoàn tất năm 1947. Tôi nói "coi như" vì vào thời điểm đó, tôi mới gặp tác giả Lê Huyền Linh và vở kịch viết trên cuốn vở học trò, đang còn bôi xóa lem nhem. Tôi đã cùng anh bàn soạn, sửa chữa để hoàn tất cho xong tác phẩm này. Anh đề nghị lấy tên tác giả là Hoa Thu là tên chung của hai người Hoan và Thưởng. Ý tôi lại muốn cho truyện có hậu, nên chúng tôi định thêm ba hồi nữa, nhưng chưa thực hiện xong thì tôi đã đem vở kịch đi gửi, vì sợ thất lạc như hầu hết các bản thảo văn thơ khác của anh.

 

Theo bài bạt của Hoàng Cầm trong Viễn Khách in năm 1997, thi sĩ đã thắc mắc sao Viễn Khách không đến với người đọc sớm hơn, nếu đã hoàn thành từ 1943?

Như đã nói ở trên, vở kịch sau khi anh cùng tôi hội ý, sửa chữa đến năm 1947 tạm xong, nhưng gặp thời cách mạng đầy gay go nguy hiểm, nên những năm trước, tôi phải đề là viết xong năm 1943 để tránh sự nghi ngờ của xã hội hồi đó.

Hơn nữa, như trong thư gửi Băng Sơn để cám ơn bài tùy bút của Băng Sơn về Viễn Khách[1], tôi đã viết:

"Tác giả Viễn Khách là người rất cẩn trọng. Vốn dòng Khổng học (cụ thân sinh là một nhà nho lỡ thời), anh tinh thông cổ văn, bút pháp sắc bén, văn vần văn xuôi đều linh động. Chính Hoàng Cầm phải công nhận là "thơ Viễn Khách trang trọng điêu luyện, chau chuốt", vì tác giả nhấc bút đặt câu là cân nhắc đắn đo, chọn chữ lựa lời."

Suốt ba hồi vở kịch, không có từ nào gượng gạo hay dung tục. Anh thường tuyên bố: "Tôi viết khó khăn, bao giờ cũng phải nghiền ngẫm trong đầu rồi mới viết, thời gian nghiền ngẫm lâu gấp ba, bốn lần thời gian viết. Ấy là chưa kể thời gian sửa chữa." Anh sáng tác Viễn Khách từ 1943 mà năm 1947 gặp tôi, bản thảo còn đầy vết sửa, gạch xóa... lúc rảnh rỗi anh cùng tôi bàn tới bàn lui... Hồi đó chiến cuộc leo thang, cơ quan anh lãnh đạo phải sửa soạn di chuyển... Tôi mang bản thảo Viễn Khách về thành, trong khi anh vẫn chưa vừa ý tác phẩm mà cho là "chưa hoàn tất".

Đã nhiều lần, tôi phê bình sự "bền gan tỉ mỉ" cũng như tính "cầu toàn trách bị" của anh. Nhưng xét ra đó là "tật" chung của các văn nghệ sĩ tự trọng.

Buffon đã chẳng viết: Le génie n'est qu'une longue patience (tài năng chỉ là sự kiên nhẫn) đó sao? Có thiên tài thêm sự bồi đắp ôn luyện nữa, khác nào như gấm thêm hoa. Tolstoï chỉ hoàn thành "Chiến tranh và hòa bình" sau 7 lần sửa chữa cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải. Và Dostoïevski nghiền ngẫm truyện "Anh em nhà Kamarazov" trong 9 năm mới bắt đầu viết.

 

Lê Huyền Linh sáng tác kịch bản Viễn Khách, đã rất cẩn thận ngay từ cốt truyện. Khi tôi phàn nàn Viễn Khách không "có hậu", anh đã chiều ý tôi, định chỉnh lý và nâng vở kịch thêm ba hồi nữa. Cái épilogue có thể là chàng Vương tử họ Trần cùng người đẹp Hồ Thiên Hương bỏ mọi sự tranh giành ngôi báu, đưa nhau về ở ẩn nơi núi rừng hẻo lánh, làm bạn với những cùng dân bản địa, sống cuộc đời ẩn dật cho đến trọn đời.

Những chiến sĩ phủ Trần biết được tông tích chàng đã tìm đến, mời ra cầm quân cùng với Trùng Quang (trong Trùng Quang tân sử) để khởi nghĩa diệt nhà Hồ, thì chàng từ chối. Bị thúc bách quá, chàng phải tạm khất để thu xếp việc nhà rồi sẽ lên đường; nhưng khi người của Quý Khoách đến đón thì chàng và Hồ Thiên Hương đã bỏ đi nơi khác, chỉ còn khoảnh vườn trống v.v... (có thể họ đưa nhau đi rong chơi Ngũ hồ như Phạm Lãi - Tây Thi). Kết cuộc thật đẹp và thơ mộng.

Nhưng Lê Huyền Linh còn cần "nghiên cứu kỹ đoạn sử mới dựng các nhân vật được..." Anh muốn tìm sự kiện thực của lịch sử, giai đoạn đầu những biến cố các triều đại nhà Trần từ sau 1407 đến những năm 1420... với những cuộc nổi dậy của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoách, Phạm Ngọc, Lê Ngữ v.v... Anh định vậy nhưng quyển sử cần thiết ấy thì chưa tìm được. Và ôi thôi! Anh đã mắc nạn ... và rồi ... ra đi ở tuổi 76.

Để ý đọc Viễn Khách, người ta sẽ thấy văn chương tác giả phảng phát mùi triết học vì Lê Huyền Linh đọc nhiều, nghiên cứu đủ lĩnh vực, kể cả môn tử vi...

Sau này anh đã dịch sách khá nhiều. Người thích viết mà không được viết tự do, đành dịch vậy, vì... "không chịu một ly, một tý nào về trách nhiệm đối với thế sự"! Vậy mà cũng phải dùng bút danh Mạc Mạc, lấy ý từ câu trong sách Lễ Ký để đề phòng:

Mạc hiện hồ ẩn

Mạc hiển hồ vi

Cố quân tử thận kỳ độc giã

Bản tính cẩn thận, tuy dịch mà cũng không cẩu thả, cố theo tiêu chuẩn "Tín, Đạt, Nhã" của Lỗ Tấn; dịch còn vậy huống hồ làm thơ, sáng tác!

Tôi tiếc cho tài anh, đã do hoàn cảnh, hoặc vì thất lạc bản thảo, hoặc vì vấn đề an nguy nên đã không để lại nhiều tác phẩm cho hậu thế. Nhưng có nhà văn hóa đã nói: "Tôi sợ người của một cuốn sách".

Arvers xưa chỉ cần một bài thơ "Tình tuyệt vọng" (Sonnet d'Arvers trong Mes heures perdues), Montaigne chỉ có một tập Les Essais, Margaret Mitchell chỉ có một cuốn Gone with the wind đời sau vẫn truyền tụng.

Lê Huyền Linh, với vở kịch thơ Viễn Khách, Hoa Thu mong rằng người ta sẽ không quên anh!

Tuy nhiên có điều đáng buồn, vì bút danh Hoa Thu là tác giả, người ta đã đặt nhiều nghi vấn về xuất xứ vở kịch, khi thì của Hoàng Cầm, khi lại của Hoàng Công Khanh (hai vị này đã có thư cải chính).

Mới đây, năm 2010, một nhà phê bình văn học cũng viết là Hoàng Cầm sợ "chế độ" nghi ngờ nội dung vở kịch nên không dám nhận mình là tác giả Viễn Khách.

Có thể Hoàng Cầm chỉ hoàn toàn là một nghệ sĩ, suốt đời sống với văn thơ, trong khi tác giả Lê Huyền Linh đã sớm "giác ngộ", lăn vào cuộc đời cách mạng (đã có 4, 5 tập thơ súc tích nhờ bạn bỏ vào chum chôn xuống đất, mối xông thành bùn). Gặp Hoa Thu, Viễn Khách sống lại một thời gian, nhưng tan tành sự nghiệp chính trị.

Trong thời gian đó, tôi đoán Hoàng Cầm đang mặn nồng với bà Tuyết Khanh và sau về Hà Nội, vấp phải vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Về phần Lê Huyền Linh thì thập phần nguy khốn, là đảng viên cốt cán bị thi hành kỷ luật, ông bị giam lỏng trong An Toàn Khu là căn cứ trọng yếu của các nhân vật cao cấp trong chính phủ. Chính ông đã nhiều lần kề súng vào màng tang định tự tử vì vụ thi hành kỷ luật. Nay lại thêm cốt truyện Viễn Khách của ông là nhà Trần đang khởi nghĩa mưu lật đổ nhà Hồ. Nếu truyện này lộ ra thì ông không tránh khỏi bị trọng tội tử hình.

Khi Viễn Khách xuất hiện trên Tiểu thuyết Thứ Bẩy tục bản, và sau đó được công diễn tại Hà Nội, Hải Phòng, tôi, Hoa Thu, đã không chính thức ra mặt. Năm 1953, một vở kịch của một kịch tác gia khác ra đời với nhiều sự kiện quá trùng hợp với Viễn Khách, đã bị các báo Hồ Gươm, Sáng Tạo, Giang Sơn ở Hà Nội xôn xao là "đạo thơ" Viễn Khách. Tôi vẫn im hơi lặng tiếng, vì lo cho tính mạng của tác giả Viễn Khách.

Thực ra, trước ngày tác giả Viễn Khách qua đời, tôi chưa hề biết ông Hoàng Cầm, sau nghe dư luận gán ghép Viễn Khách cho Hoàng Cầm, lại đang lúc đau buồn vì ông Lê Huyền Linh mất, tôi mới viết một lá thư dài cho ông Hoàng Cầm.

Thời gian qua, tôi rụt rè gửi các báo nhờ cải chính, nhờ ông Phan Tại in ấn Viễn Khách (không vừa ý) tôi đã không dám hành động sốt sắng theo lời thúc giục của nhiều thân hữu, trong số đó có cả cụ bạn già đồng nghiệp Bùi Văn Bảo và mấy bạn trẻ hữu danh như Đặng Tiến, Nguyễn Huệ Chi, khiến mọi người chắc đã nản lòng vì sự do dự của tôi.

May sao gần đây, một ông học trò cũ đã có lòng tốt, thông cảm chuyện riêng của tôi, đã khuyến khích và giục giã tôi nên ấn hành lại kịch Viễn Khách với đủ tình tiết rõ ràng minh bạch.

Lấn cấn từ năm ngoái, sang năm nay Tân Mão, tôi tự nghĩ liệu có xong ước nguyện "giải mã bút danh Hoa Thu" và ấn hành được cuốn Viễn Khách đàng hoàng như ý?

Tôi giật mình chợt nhớ đến đoạn viết của nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái trong tạp chí Quê Mẹ[2]:

"Sớm hay muộn, nhân duyên đôi khi giữ vai trò thần diệu: kịch thơ Viễn Khách lên sân khấu Hà Nội năm Tân Mão (1951) trước sự chứng kiến của Hoa Thu. Năm nay Kỷ Mão (1999) cũng nhờ Hoa Thu mà tác giả Lê Huyền Linh được chính thức phục hồi! 48 năm sau đâu có bao nhiêu trước thiên thu, thơ và tên tuổi nhà thơ, phải không thưa bà Hoa Thu?"

Năm nay lại là Tân Mão (2011), 60 năm đã qua, cũng đâu có bao nhiêu, phải không thưa ông Thi Vũ Võ Văn Ái? Và phải không, bác sĩ Thượng Quân Lê Văn Sắc, ông cựu môn sinh tốt bụng của tôi?

Hoa Thu Đặng Thị Đức Hoan


 

[1] Tạp chí Sân Khấu năm Mậu Dần 1998.

[2] Paris, Pháp, năm 1999.

 

 

*

 

Kịch thơ

Viễn khách

(đã được Hoa Thu duyệt lại năm 2011)